Những Điều Cần Biết Về Phòng Cháy Chữa Cháy Tại Chung Cư

Phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một trong những vấn đề quan trọng cần lưu tâm tại các dự án nhà chung cư, đặc biệt trong bối cảnh nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra do sự lơ là trong công tác đảm bảo an toàn PCCC. Do vậy, Chủ đầu tư và Ban Quản lý tại các dự án cần nắm rõ các quy định của pháp luật hiện hành về PCCC và thực thi đầy đủ tại dự án, đồng thời nâng cao nhận thức của cư dân và khách thuê để cùng tham gia PCCC.  

 

Những tiêu chuẩn và quy định về phòng cháy chữa cháy tại nhà cao tầng nói chung  

Theo Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC sau đây: 

  • Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, lửa và các chất dễ cháy - nổ theo quy định của Bộ Công an.
  • Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an. 
  • Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 
  • Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và sẵn sàng khi có yêu cầu chữa cháy tại chỗ. 

Chủ đầu tư có trách nhiệm đảm bảo toàn bộ diện tích dự án đáp ứng các tiêu chuẩn PCCC. Cụ thể, theo Điều 14 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, trách nhiệm của chủ đầu tư trong đầu tư, xây dựng công trình chung được quy định như sau: 

  • Lập dự án thiết kế theo đúng quy định và phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Chỉ tiến hành thi công, xây dựng khi hồ sơ thiết kế công trình được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC. 
  • Tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt. Trong quá trình thi công, nếu có thay đổi, điều chỉnh về thiết kế thì phải lập thiết kế bổ sung bảo đảm theo quy định của PCCC và phải được thẩm duyệt các nội dung thay đổi, điều chỉnh trước khi thi công.  
  • Tổ chức nghiệm thu về PCCC đối với dự án, công trình và chịu trách nhiệm về kết quả nghiệm thu. Chủ đầu tư cung cấp, xuất trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC của công trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. 

 

tiêu chuẩn pccc tại nhà cao tầng
Tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy tại tòa nhà cao tầng

 

Các tiêu chí cần tuân thủ trong thiết kế và xây dựng nhà cao tầng

Thiết kế đảm bảo phục vụ công tác PCCC 

Theo quy định tại khoản 12 Tiêu chuẩn PCCC đối với nhà cao tầng (TCVN 6160:1996), nhà cao tầng phải được thiết kế hệ thống báo cháy. Tùy thuộc vào tính chất sử dụng của tòa nhà mà Chủ đầu tư thiết kế hệ thống báo cháy cho phù hợp. Khi thiết kế hệ thống báo cháy phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau: 

  • Phát hiện cháy nhanh 
  • Chuyển tín hiệu rõ ràng 
  • Đảm bảo độ tin cậy 
  • Trong trường hợp hệ thống báo cháy liên kết với hệ thống chữa cháy thì ngoài chức năng báo cháy còn phải điều khiển hệ thống chữa cháy hoạt động ngay để dập tắt đám cháy kịp thời. 
  • Yêu cầu kỹ thuật về thiết kế và lắp đặt hệ thống báo cháy phải tuân theo Tiêu chuẩn TCVN 5738:2021. 
  • Hệ thống báo cháy tự động sau khi đưa vào hoạt động phải được kiểm tra ít nhất 2 lần/năm. Việc bảo dưỡng định kỳ hệ thống báo cháy tự động được thực hiện tùy theo điều kiện môi trường nơi lắp đặt và theo quy định của nhà sản xuất, nhưng ít nhất hai năm một lần phải tổ chức bảo dưỡng toàn bộ hệ thống (khoản 6 Tiêu chuẩn TCVN 3890:2009). 
Hệ thống báo cháy 1
Hệ thống báo cháy phải tuân theo Tiêu chuẩn TCVN 5738:2021

 

Trang bị đầy đủ bình chữa cháy 

Tại khoản 5 Tiêu chuẩn TCVN 3890:2009 quy định tất cả các khu vực, hạng mục trong nhà và công trình có nguy hiểm về cháy kể cả những nơi đã được trang bị hệ thống chữa cháy phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình chữa cháy có bánh xe. 

Các bình chữa cháy tự động được trang bị cho các khu vực có nguy hiểm cháy không thường xuyên có người hoặc con người không thể đi vào được. Bố trí bình chữa cháy tự động phù hợp với diện tích bảo vệ và chiều cao treo hoặc đặt của từng loại bình. 

Việc bố trí bình chữa cháy phải đảm bảo 50 – 150m2/bình. Toàn bộ những khu vực có khả năng cháy nổ đều phải được trang bị bình chữa cháy. Những nơi được trang bị hệ thống chữa cháy tự động cũng cần được lắp đặt thêm bình chữa cháy xách tay để đảm bảo an toàn tối đa khi có sự cố cháy nổ xảy ra. 

Bình chữa cháy phải được bố trí khoa học, không tập trung quá nhiều bình chữa cháy tại một khu vực, cụ thể:

  • Khu vực có mức nguy hiểm cháy thấp: 150m2/bình  
  • Khu vực có mức nguy hiểm trung bình: 75m2/bình 
  • Khu vực có mức nguy hiểm cao: 50m2/bình 

Cách sử dụng bình chữa cháy bằng tay

Cách sử dụng bình chữa cháy bằng tay

Xây dựng lối thoát hiểm đạt tiêu chuẩn 

Trong nhà cao tầng phải có ít nhất 02 lối thoát nạn để bảo đảm có người thoát nạn an toàn khi có cháy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chữa cháy hoạt động. 

Trường hợp diện tích mỗi tầng lớn hơn 300m2 thì hành lang chung hoặc lối đi phải có ít nhất hai lối thoát ra hai cầu thang thoát nạn. Trường hợp diện tích mỗi tầng nhỏ hơn 300m2 thì Chủ đầu tư có thể thiết kế một cầu thang thoát nạn ở một phía, còn phía bên kia phải thiết kế ban công nối với thang thoát nạn bên ngoài (khoản 8 Tiêu chuẩn TCVN 6160:1996). 

Lưu ý: Ban công nối với thang thoát nạn bên ngoài phải chứa đủ số người được tính trong các phòng trên tầng đó. 

Bên cạnh đó, các cửa của các lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Trong các nhà chiều cao PCCC lớn hơn 15m, các cánh cửa nói trên, ngoại trừ các cửa của căn hộ, phải là cửa đặc hoặc cửa với kính cường lực. 

Các cửa của lối ra thoát nạn từ các gian phòng hay các hành lang được bảo vệ chống khói cưỡng bức phải là cửa đặc được trang bị cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa này nếu cần để mở khi sử dụng thì phải được trang bị cơ cấu tự động đóng khi có cháy (khoản 3.2.11 Quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD). 

Tiêu-chuẩn-thiết-kế-thang-thoát-hiểm

Tiêu chuẩn thiết kế thang thoát hiểm

Các yêu cầu khác về phòng cháy chữa cháy 

Theo quy định tại khoản 7 Tiêu chuẩn PCCC đối với nhà cao tầng TCVN 6160:1996 thì Chủ đầu tư phải bố trí diện tích trống trước lối ra ở tầng I (tầng trệt), mục đích là khi xảy ra tình huống bất ngờ thì tất cả nhân viên đều có thể an toàn chạy thoát. 

Đồng thời, Chủ đầu tư phải thiết kế nội thất, không gian an toàn trong tòa nhà theo Tiêu chuẩn TCVN 2622:1995. 

Ngoài ra, Chủ đầu tư cần phải bố trí 1 – 2 họng nước chữa cháy tại các điểm trong tòa nhà với lưu lượng nước chảy 2,5 lít/giây, họng nước có độ cao 1,25m so với bề mặt sàn. Những họng nước chữa cháy phải được đặt ngay lối đi, ở sảnh, hành lang, các vị trí dễ dàng sử dụng. 

Từng họng chữa cháy phải được trang bị van khóa, lăng phun nước và cuộn vòi mềm theo đúng chiều dài đã được thiết kế đáp ứng TCVN 2622:1995. 

Chủ đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng việc xây dựng và thiết kế hệ thống phòng cháy chữa cháy để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, song vẫn phù hợp với đặc thù dự án. Trong quá trình thiết kế, thi công hay lắp đặt, sự có mặt của một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp sẽ giúp Chủ đầu tư lường trước các vấn đề và giảm thiểu rủi ro phát sinh.

chủ động PCCC

Chủ động phòng cháy, chữa cháy là một trong những cách đảm bảo an toàn cho bản thân

Các biện pháp PCCC hiệu quả cho nhà chung cư 

Đối với Chủ đầu tư và Ban Quản lý

  • Niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy, các biển cấm lửa, cấm hút thuốc, các tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi dễ xảy ra cháy nổ. 
  • Hạn chế đưa các vật liệu dễ cháy nổ như xăng dầu, khí ga và các chất nguy hiểm khác vào công trình; nếu thật sự cần thiết thì cần phải có biện pháp phòng cháy chữa cháy an toàn. 
  • Chuẩn bị sẵn các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu thương phù hợp với từng quy mô, tính chất cháy nổ của công trình. 
  • Xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập PCCC định kỳ tại dự án, và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý tại dự án. Đồng thời, xây dựng các chương trình, hoạt động nhằm gia tăng nhận thức của cộng đồng cư dân/khách thuê về PCCC. 

Tiêu lệnh chữa cháy

Tiêu lệnh chữa cháy

Đối với cư dân

  • Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện; lưu ý ngắt điện các thiết bị không sử dụng trước khi rời khỏi căn hộ, dù trong thời gian ngắn. 
  • Trong trường hợp vắng nhà nhiều ngày, cư dân cần liên hệ với Ban Quản lý để ngắt điện/nước nhằm đảm bảo an toàn PCCC và tránh hao hụt, rò rỉ. 
  • Không nên tích trữ số lượng lớn các chất nguy hiểm gây cháy nổ trong nhà như bình gas mini, xăng dầu… 
  • Không đốt vàng mã hoặc các chất liệu khác trong phạm vi căn hộ và những khu vực khác, chỉ thực hiện tại khu vực đã được Ban Quản lý quy định. 
  • Tham gia các buổi diễn tập, các hoạt động của Ban Quản lý nhằm gia tăng nhận thức về PCCC. 
  • Tuân thủ các quy định PCCC khác theo pháp luật.

kỹ năng xử lý

Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ

Để có thể đảm bảo điều kiện an toàn PCCC tốt nhất tại nhà chung cư, Chủ đầu tư nên tham vấn và được hỗ trợ bởi đội ngũ quản lý – vận hành tòa nhà chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm trong quản lý vận hành các loại hình bất động sản.  

Dịch vụ quản lý – vận hành của Taisei VN sẽ giúp Chủ đầu tư đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về PCCC, đồng thời có những giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn tại dự án về lâu dài.

—-----------------------

Thông tin liên hệ:

Taisei VN

Địa chỉ: P. 1901, Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Hotline: 093 3797 355

Email:  Cs@caresolutions.com.vn 

LinkedIn: https://taisei.com.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/taisei.com.vn

 

 

 


DMCA.com Protection Status